Xét về mặt vĩ mô, Việt Nam đã tạm thời vượt qua giai
đoạn nguy cấp nhất, khi hệ thống ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ hàng loạt.
Nhưng chờ đợi phía trước con đường là những biển hiệu ảm đạm chưa có
chút hứa hẹn nào cho tăng trưởng, nếu những cánh cửa mới không được mở
ra.
Lãi suất liên ngân hàng là một chỉ dấu quan trọng của
hệ thống. Tại thời điểm cuối quý 3, đầu quý 4 năm ngoái, lãi suất liên
ngân hàng lên rất cao, có thời điểm tới hơn 40%. Đó là dấu hiệu của tình
trạng mất thanh khoản nghiêm trọng tới mức có thể phá sản bất kỳ lúc
nào của nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.
Từ đầu năm trở lại đây, lãi suất liên ngân hàng đã giảm
nhiều, hiện nay nằm ở mức một con số. Điều đó cho thấy mặc dù còn một
số ngân hàng nhỏ vẫn trong vùng nguy hiểm, nhưng câu chuyện đổ vỡ hàng
loạt có vẻ như đã được tạm thời loại bỏ.
Từ chỗ chênh vênh bên miệng núi lửa của khủng hoảng tài
chính hồi nửa cuối năm ngoái, kinh tế Việt Nam đang đi dần vào một mùa
đông của suy thoái.
Mùa đông của suy thoái
Lạm phát đã hạ nhiệt, tốc độ tăng giá tiêu dùng trong
sáu tháng qua chỉ có 2,52% so với mức tăng 13,33% của sáu tháng đầu năm
2011 và 3,37% của sáu tháng đầu năm 2010. Điều này không lạ vì giữa tăng
trưởng tín dụng và lạm phát có quan hệ nhân quả rất chặt chẽ với độ trễ
khoảng 6-8 tháng. Việc lạm phát thấp tại thời điểm này là kết quả của
việc thắt chặt tiền tệ - tín dụng từ khoảng tháng 4 tới tháng 12 năm
ngoái.
Lãi suất ngân hàng nhờ các quyết định hành chính liên
tục kế tiếp nhau của Ngân hàng Nhà nước đã giảm về mức thấp đáng kể so
với năm ngoái. Lãi suất huy động không kỳ hạn về còn 9% trong khi lãi
suất huy động có kỳ hạn nằm ở mức 12-13% và lãi suất cho vay chính thức
giảm còn khoảng 15-17%.
Do lãi suất tiền đồng trong suốt năm 2011 và sáu tháng
đầu năm 2012 rất cao so với tốc độ trượt giá đồng tiền và việc Nhà nước
siết chặt quản lý kinh doanh ngoại hối ngoài luồng, sức ép về tỉ giá lên
VND trong giai đoạn vừa qua không lớn. Tiền đồng cơ bản giữ được giá trị sau đợt phá giá mạnh hồi tháng 2-2011.
Sự ổn định này phần nhiều mang tính tình huống và giả
tạo. Lạm phát sẽ lại bùng phát một khi tín dụng tăng trở lại giống như
kịch bản hồi năm 2010: năm 2008 gặp lạm phát cao tương tự năm 2011. Năm
2009 lạm phát giảm do hiệu ứng độ trễ của chính sách thắt chặt vào cuối
năm 2008, giống như những gì đang diễn ra hiện nay. Năm 2010 lạm phát
vụt lên trở lại ở mức hai con số sau khi chính sách tiền tệ - tín dụng
được nới lỏng một phần.
Điều khá dễ thấy là lãi suất giảm trong thời gian qua
phần nhiều do các biện pháp hành chính. Trên thực tế lạm phát đã giảm
rất mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã bơm khá nhiều tiền vào hệ thống ngân
hàng thương mại và dư địa tín dụng được mở toang từ đầu năm nhưng hệ
thống ngân hàng thương mại (mất thanh khoản mạnh và nợ xấu trên 10%) vẫn
phải cạnh tranh quyết liệt để giành giật nguồn tiền gửi. Vì thế lãi
suất huy động vẫn cao hơn rất nhiều so với lạm phát.
Câu chuyện tranh cãi về lãi suất thực dương hay âm, sau
hơn một năm, vẫn đối mặt với câu trả lời từ thực tế là lãi suất thực
vẫn còn dương và dương rất nhiều. CPI tháng 5 và tháng 6 vừa qua so với
cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 8,34% và 6,9% trong khi lãi suất huy động
trung bình vẫn còn ở mức hai con số. Điều này dẫn tới chuyện lãi suất
cho vay có giảm nhưng còn xa mới nằm trong sức chịu đựng hợp lý của hệ
thống doanh nghiệp.
Tương tự, áp lực về tỉ giá hiện nay ở mức thấp là do
chênh lệch về lãi suất gửi VND và USD quá cao. Ngay cả khi điều chỉnh
yếu tố trượt giá, thì lãi suất thực - tức là lãi suất tiền đồng trừ đi
lạm phát của tiền đồng - vẫn cao hơn nhiều so với USD. Tuy nhiên vì tỉ
giá được giữ cố định nên người dân chỉ quan tâm đến lãi suất danh nghĩa:
tiền đồng không mất giá với USD, lãi suất tiền đồng cao hơn từ 3 lần
(hiện nay) tới 5 lần (như hồi năm 2011) so với lãi suất USD, vì thế
không có lý do gì phải giữ USD.
Mức chênh lệch quá lớn này đủ để bảo vệ người giữ tiền
đồng ngay cả khi tiền đồng bị phá giá từ 5% (năm nay) tới 15% (năm
ngoái). Đó là lý do lớn để VND ổn định trong thời gian qua. Tuy nhiên,
lòng tin này của người giữ tiền đồng sẽ bị phá vỡ ngay khi lãi suất tiền
đồng giảm tới mức mà chênh lệch lãi suất VND và USD không còn đủ lớn để
cho họ cảm giác an toàn nữa.
Tăng trưởng kinh tế, theo con số chính thức của Tổng
cục Thống kê, cũng giảm về mức thấp nhất trong khoảng mười năm trở lại
đây. GDP của sáu tháng đầu năm nay tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước,
thấp hơn mức thấp nhất trước đó là 4,46% vào quý 2-2009. Và điều này hợp
lý bởi vì cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 diễn ra khi sức chịu đựng của
hệ thống doanh nghiệp còn tương đối tốt do có một thời gian dài tăng
trưởng đều đặn và nhiều doanh nghiệp huy động được tài chính do phát
hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư để tạo thành cái đệm tiền mặt (cash
cushion) cho doanh nghiệp khi tín dụng bị thắt chặt.
Trong giai đoạn hiện nay, phần lớn doanh nghiệp không
còn được lợi thế này nữa và vì thế sức chịu đựng của họ kém hơn rất
nhiều so với hồi ba năm trước.
Chưa phải đáy?
Sự ổn định tạm thời trên bề mặt do lạm phát hạ nhiệt
không phải là chỉ dấu của sự an toàn. Khối thuốc nổ lớn đang nằm trong
hệ thống ngân hàng hiện nay là các khoản nợ xấu, và không ai biết quy mô
(đi kèm với sức tàn phá) của nó đến đâu.
Ngay cả số liệu chính thức từ Ngân hàng Nhà nước cũng
không rõ ràng: chiều 7-6-2012, giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra con số nợ xấu tới 10%. Tuy nhiên
tại hội nghị sơ kết sáu tháng của ngành ngân hàng ngày 7-7-2012 tại Hà
Nội lại thông báo rằng tính đến cuối tháng 5, tổng nợ xấu của toàn hệ
thống chiếm 4,47% (tương đương 100.000 tỉ đồng) tổng dư nợ tín dụng của
nền kinh tế.
Mức chênh lệch giữa 4,47% và 10% là vô cùng lớn, tương
đương 241.000 tỉ đồng, hoặc khoảng 11,5 tỉ USD. Công bố mới nhất của
thanh tra ngân hàng lại đưa ra con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến
cuối tháng 3-2012 là hơn 202.000 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín
dụng.
Mặc dù có nhiều giải pháp được bàn đến để giải quyết
khối tài sản “xấu” này, nhưng chưa có bất kỳ động tác kiên quyết nào
được thực hiện. Lý do cũng dễ hiểu: Việt Nam đang ở trong tình trạng có
rất nhiều ràng buộc và vì thế không dễ gì giải được bài toán nợ xấu một
cách nhanh chóng.
Đấu tranh để tồn tại
Dưới góc độ vi mô, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng
trước một bài toán khó, có lẽ là khó nhất kể từ trong lịch sử khiêm tốn
về kinh tế thị trường của Việt Nam hiện đại. Trong khi thị trường đầu ra
bị thu hẹp nghiêm trọng, lãi suất các khoản vay vẫn còn rất cao và khả
năng vay mượn thêm khá bi đát, câu chuyện xoay đủ vốn để cầm cự tiếp trở
thành câu chuyện “tồn tại hay không tồn tại”.
Có một khe cửa hẹp để giúp các doanh nghiệp này, đó là
dòng vốn tìm đến mục tiêu mua bán và sáp nhập (M&As). Về triển vọng
dài hạn, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang phát triển còn nhiều tiềm
năng để tiếp tục bứt phá. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế đang
hướng sự chú ý tới các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư
đến từ những quốc gia mà khả năng phát triển hầu như đã bị bão hòa.
Nhật Bản là một trong các quốc gia có sự quan tâm mạnh mẽ nhất đến việc
tìm mua hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, đây chỉ là một cánh cửa hẹp. Nó không phải
là một thứ thuốc an thần mà ai cũng có thể mua được ngoài chợ. Dòng vốn
này chỉ tìm đến với một số doanh nghiệp tốt nhất, có nhiều tiềm năng
nhất, được quản trị bài bản nhất trong các ngành có sức hấp dẫn nhất ở
Việt Nam trong trung hạn. Nó cũng chỉ đến được với các doanh nghiệp biết
cách săn lùng và tiếp cận với nó. Nhưng dẫu là một cánh cửa hẹp, có vẫn
còn hơn không.
Với mối lo khá mơ hồ và cảm tính về việc
“đổ vỡ dây chuyền”, Việt Nam không muốn bất kỳ ngân hàng nào phá sản,
không muốn bất kỳ người gửi tiền nào bị mất tiền, không quốc hữu hóa, và
cũng không đủ nguồn lực để cứu trợ tài chính (bail-out) toàn bộ hệ
thống ngân hàng cũng như các doanh nghiệp “quá lớn để đổ vỡ”
(too-big-to-fail). Việt Nam rất dễ và nhiều khả năng sẽ rơi vào tình
trạng hệ thống ngân hàng dày đặc các zombie banks giống như ở Nhật hồi
thập niên 1990 trước đây (mặc dù lý do Nhật Bản có các zombie banks khác
với Việt Nam).
Đặc điểm của zombie banks là chúng tồn tại
nhưng không còn khả năng cung cấp các chức năng bình thường của ngân
hàng, tức là huy động rồi cho vay. Việc này dường như đã bắt đầu từ đầu
năm nay khi mà dư địa tín dụng được mở toang nhưng tính đến ngày
30-6-2012, tín dụng tăng trưởng chỉ ở mức 0,76% so với cuối năm 2011.
Hậu quả mà Nhật Bản phải đối phó hồi thập
niên 1990 thường được nhắc đến là một thập niên bị đánh mất - tức là một
thập niên hầu như không có tăng trưởng. Và một tương lai tương tự không
phải là không thể xảy ra đối với Việt Nam.
|
TS Trần Vinh Dự
Tuổi trẻ