Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

BP giới thiệu tổng giám đốc mới

SGTT.VN - Hãng BP ngày 27.7 đã công bố danh tính tổng giám đốc mới. Ông Bob Dudley, người Mỹ sẽ thay thế ông Tony Hayward vừa từ chức vào hôm 25.7 vì đã để xảy ra các sai sót trong quản lý dẫn đến vụ tràn dầu tồi tệ trên vịnh Mexico. Báo cáo tài chính quý hai cho thấy hãng này lỗ 17 tỉ USD trong quý này.

Ông Bob Dudley sẽ nhận chức vụ mới vào ngày 1.10, là người đầu tiên ngoài nước Anh nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của hãng BP. Trước đây, ông Dudley từng là người lãnh đạo liên doanh của BP tại Nga, công ty TNK-BP, hiện đang giữ chức giám đốc điều hành của BP tại Mỹ và chịu trách nhiệm chính trong việc xử lý sự cố dầu tràn. Đây được xem là một động thái của BP nhằm xoa dịu những chỉ trích của người Mỹ đối với tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Anh này.

Cư dân quanh vùng chịu ảnh hưởng dầu tràn cho biết họ hài lòng khi thấy ông Hayward từ chức. Trong cuộc họp báo công bố quyết định từ chức, ông Hayward phát biểu: "Tôi tin rằng công ty không thể tiếp tục hoạt động ở Mỹ nếu tôi vẫn còn đóng vai trò đại diện của BP. Vì vậy tôi nghĩ rằng để tốt cho BP, và cụ thể là tốt cho BP ở Mỹ, tôi nên từ chức”. Tuy nhiên trong một thoả thuận với BP sau khi từ chức, ông Hayward sẽ được bổ nhiệm làm giám đốc TNK-BP, được nhận một năm tiền lương (1,045 triệu bảng, hay 1,61 triệu USD), và được trả khoản lương hưu lên đến 11,8 triệu bảng Anh (khoảng 18 triệu USD).

Các nhà đầu tư cũng hài lòng với quyết định từ chức của ông Hayward vì động thái này đã khiến giá cổ phiếu của BP ngày 27.7 tăng 5% trên sàn giao dịch London và New York, mặc dù báo cáo tài chính quý hai vừa công bố cùng ngày cho thấy BP lỗ đến 17 tỉ USD. Để có tiền để xử lý dầu tràn, BP có kế hoạch bán khối tài sản lên đến 30 tỉ USD trong vòng 18 tháng tới, trong khi giảm số nợ phải trả xuống mức 10-15 tỉ USD trong quý này. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của BP vào đỉnh điểm khủng hoảng đã mất đến 100 tỉ USD giá trị.

Trong khi đó, các nỗ lực cuối cùng để lấp giếng dầu Macondo, nơi dầu phun ra suốt hơn hai tháng qua sau khi giàn khoan đổ sụp, sẽ được BP thực hiện vào cuối tuần tới. Thay vì xử lý ngay ở miệng giếng Macondo, BP sẽ bơm bùn và xi-măng qua một giếng giảm áp được khoan từ ngày 2.5 gần giếng Macodo đến một điểm gần đáy giếng Macondo. Kỹ thuật này được cựu sĩ quan tuần duyên Mỹ, Thad Allen, người trong những người tham gia xử lý giếng Macondo, giải thích là “lấp từ dưới đáy giếng lên”.

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

BP đang chờ chính phủ Việt Nam cho phép bán tài sản

▪ ÂN NAM
24/07/2010 14:29 (GMT+7)

BP đang chờ sự cho phép của Chính phủ để chính thức tiến hành tiếp thị các tài sản của tập đoàn này ở Việt Nam.

Một nguồn tin từ BP đã cho biết như vậy khi trả lời VnEconomy xung quanh việc bán tài sản của tập đoàn này tại Việt Nam, để có thêm tiền xử lý thảm họa dầu tràn trên vịnh Mexico (Mỹ).

Kế hoạch bán tài sản này "không ảnh hưởng đến những mảng kinh doanh khác của BP tại thị trường Việt Nam như cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, sản xuất và kinh doanh dầu nhờn", nguồn tin trên cho biết và khẳng định BP vẫn tiếp tục có mặt tại Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 23/7, hãng thông tấn Ấn Độ PTI cho biết, Ấn Độ đã nhận được sự ủng hộ của Việt Nam trong việc mua lại các tài sản của tập đoàn BP. Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Ấn Độ Murli Deora đã có cuộc hội đàm được mô tả là "rất thuận lợi" với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

PTI cho biết, cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) đều muốn mua lại số tài sản của BP trong dự án mỏ khí Lan Tây - Lan Đỏ (lô 6.1 dự án Nam Côn Sơn), nơi hiện đang sản xuất 14 triệu m3 khí đốt mỗi ngày. Ấn Độ cũng mong muốn mua được cổ phần của BP trong dự án đường ống dẫn khí và nhà máy điện.

Theo PTI, trước đó, ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, đã nói rằng, BP nên ưu tiên cho các đối tác của BP khi bán tài sản ở Việt Nam, trước khi nhận đơn chào mua của khách hàng bên ngoài. Hãng tin này nhận định, rất có khả năng, ONGC và Petro Vietnam có thể đạt được thỏa thuận về việc chia sẻ số cổ phần mua lại từ BP.

Chi phí khắc phục thảm họa tràn dầu trên vịnh Mexico của BP có thể lên tới 70 tỷ USD. Tính đến nay, BP đã phải tiêu tốn tới 3,5 tỷ USD để khắc phục sự cố, trong khi số tiền bồi thường cho dân chúng bị ảnh hưởng trong vụ này có thể lớn gấp 10 lần con số trên.

BP đã phải cam kết thành lập một quỹ trị giá 20 tỷ USD bồi thường cho người dân Mỹ chịu ảnh hưởng của thảm họa tràn dầu. Giá cổ phiếu của BP đã bị “gọt” tới một nửa kể từ sự cố xảy ra hôm 20/4 này. Thêm vào đó, danh tiếng của BP còn bị sứt mẻ nghiêm trọng, khi đã xuất hiện những tin đồn rằng, hãng có thể bị đối thủ thâu tóm hoặc lâm vào cảnh phá sản.

Tập đoàn BP bắt đầu hoạt động Việt Nam từ năm 1989. Các hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi của BP những năm 1990 đã giúp BP phát hiện được 4 mỏ khí chính ngoài khơi, cách Tp.HCM khoảng 320 km về phía nam. Từ đó đã ra đời dự án liên hợp khí điện Nam Côn Sơn trị giá 1,3 tỉ Đô la Mỹ, bao gồm việc phát triển và khai thác khí tại hai mỏ Lan Tây và Lan Đỏ, lắp đặt đường ống dẫn khí ngoài khơi và trên bờ dài 400 km, và xây dựng và vận hành Nhà máy Điện Phú Mỹ 3 ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hiện nay BP đang cung cấp 4 tỉ mét khối khí một năm, đáp ứng khoảng 24% sản lượng điện của Việt Nam. Hai nhãn hiệu dầu nhớt của BP và Castrol là hai thương hiệu nổi tiếng tại thị trường Việt Nam.

Năm 2009, BP đã ký hợp đồng cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam. Hợp đồng sẽ thực hiện trong 5 năm tới.

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Ai sẽ mua tài sản của B tại Việt Nam ?

SGTT.VN - Nhiều công ty dầu mỏ Ấn Độ đang có mặt tại Hà Nội để đàm phán mua lại các tài sản của BP ở Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi có thông tin BP sẽ bán bớt tài sản để lập quỹ xử lý dầu tràn ở vịnh Mexico.

Tập đoàn BP vào Việt Nam đầu tư kinh doanh từ năm 1989, hoạt động chủ yếu trong ngành khai thác dầu khí, sản xuất kinh doanh dầu nhớt, khí hoá lỏng (LPG), cung ứng dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, sản xuất điện.

Tâm điểm Nam Côn Sơn

Từ ngày 21.7, các quan chức bộ dầu khí Ấn Độ và lãnh đạo các tập đoàn và công ty dầu khí hàng đầu nước này đã có mặt tại Hà Nội. Các doanh nghiệp này gồm tập đoàn khí đốt Ấn Độ (ONGC), tập đoàn dầu Ấn Độ (IOC), công ty vận chuyển khí đốt Gail India, và công ty dầu khí Oil India.

Các tài sản mà Ấn Độ đang muốn mua lại là cổ phần của BP trong dự án khai thác khí đốt Nam Côn Sơn, dự án đường ống khí đốt Nam Côn Sơn, và nhà máy điện Phú Mỹ 3. Tổng giá trị tài sản của BP trong các dự án này vào khoảng 1,3 tỉ USD. BP dự kiến bán tất cả các tài sản liên quan đến khai thác dầu khí tại Việt Nam và Pakistan, trừ mảng kinh doanh dầu nhớt.

Báo Economic Times ngày 22.7 dẫn lời bộ trưởng dầu khí Ấn Độ, ông Murli Deora: “Đây là những tài sản tốt và công ty chúng tôi rất quan tâm đến. Chúng tôi đang trong giai đoạn bàn thảo". Cũng theo Economic Times, ông Deora có cuộc thảo luận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc mua lại tài sản của BP trong ngày 22.7. Phía Ấn Độ cũng sẽ có cuộc gặp với Petro Việt Nam.

Ngoài Việt Nam, hãng BP đang cân nhắc bán các tài sản ở Colombia, Venezuela để lấy tiền chuyển vào quỹ xử lý dầu tràn ở vịnh Mexico. Quỹ 20 tỉ USD được lập theo yêu cầu của tổng thống Mỹ Barrack Obama nhằm trang trải các chi phí dọn sạch dầu loang, làm sạch môi trường và bồi thường thiệt hại cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Cũng theo Economic Times, các công ty dầu khí Trung Quốc như Tập đoàn khai thác dầu mỏ xa bờ CNOOC và tập đoàn hoá dầu Sinopec, cùng với công ty dầu khí Thái Lan PTTEP cũng đang rất quan tâm đến việc mua các tài sản của BP tại Việt Nam.

Tài sản của BP tại Việt Nam

Công ty dầu khí quốc tế của Ấn Độ ONGC Videsh Limited (OVL), một chi nhánh tại Việt Nam của ONGC, hiện đang nắm giữ 45% cổ phần của dự án khai thác khí đốt Nam Côn Sơn. Từ tháng 5.1988, OVL bắt đầu thăm dò khí đốt ở bể Nam Côn Sơn. Đến năm 1989 thì phát hiện ra khí đốt trong khu vực bể này.

Theo ông RS Sharma, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành ONGC, ban đầu OVL sở hữu toàn bộ dự án, nhưng sau đó đã bán lại 35% cổ phần cho BP trong cuộc khủng hoảng kinh tế vào cuối những năm 1990. Theo một thoả thuận với chính phủ Việt Nam, dự án khai thác khí đốt Nam Côn Sơn phải chuyển nhượng 20% cổ phần cho Petro Việt Nam khi bắt đầu khai thác khí đốt. Cổ phần của công ty BP hiện nay còn lại trong dự án này là 26,66%.

Khoảng 30% sản lượng khí đốt (tức khoảng 12 triệu m3/ngày) khai thác từ Nam Côn Sơn được chuyển vào đường ống khí đốt Nam Côn Sơn dài 370 km đến nhà máy điện Phú Mỹ 3. “Sản lượng dự tính sẽ tăng lên 15 triệu m3/ngày”, giám đốc điều hành OVL, RS Butola cho biết trên báo Economic Times.

Tại dự án đường ống khí đốt Nam Côn Sơn trị giá 565 triệu USD, BP nắm giữ 32,33% cổ phần. Các đối tác khác của dự án này là ConocoPhillips (16,7%), và PetroVietnam (51%). Tại nhà máy điện Phú Mỹ 3 trị giá 412 triệu USD, BP nắm 34% cổ phần, các cổ đông khác gồm có NI của Nhật Bản (33%) và Semb Corp (33%) của Singapore.

Mai Hương - H.S (tổng hợp)

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

BP bán tài sản tại Việt Nam để khắc phục tràn dầu ở Mỹ

21/07/2010 15:41 (GMT +7)
Tập đoàn BP của Anh cho biết sẽ bán các tài sản ở Việt Nam và Pakistan, để có thêm tiền xử lý dầu tràn trên vịnh Mexico (Mỹ).

Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên David Nicholas của tập đoàn BP hôm 20/7 cho biết, thương vụ có giá trị 1,7 tỷ USD. BP đã thông báo tới Chính phủ Việt Nam và Pakistan về vụ mua bán này.

Các tài sản này bao gồm cổ phần của BP trong các cơ sở sản xuất dầu trên đất liền ở Pakistan. Ngoài ra còn có các giếng sản xuất khí đốt tự nhiên, một đường ống dẫn và một nhà máy năng lượng của BP ở Việt Nam.

Toàn bộ số tiền bán các tài sản trên sẽ được chuyển vào quỹ trị giá 20 tỷ USD của tập đoàn nhằm trang trải các chi phí dọn sạch dầu loang, làm sạch môi trường và bồi thường thiệt hại do thảm họa tràn dầu trên Vịnh Mexico.

BP cũng cho biết hiện chưa nhận được đơn đặt mua nào đối với những tài sản trên.

Chi phí khắc phục thảm họa tràn dầu trên vịnh Mexico của BP có thể lên tới 70 tỷ USD. Tính đến nay, BP đã phải tiêu tốn tới 3,5 tỷ USD để khắc phục sự cố, trong khi số tiền bồi thường cho dân chúng bị ảnh hưởng trong vụ này có thể lớn gấp 10 lần con số trên.
BP có suy kiệt vì thảm họa tràn dầu?

Chuyên gia phân tích Pavel Molchanov của hãng Raymond James nhận định, số tài sản của BP ở Việt Nam và Pakistan có thể đáng giá từ 2 - 4 tỷ USD.

Theo tờ Wall Street Journal, phát ngôn viên của BP khẳng định, tập đoàn sẽ bán tài sản của mình tại Pakistan vào cuối năm nay, song chưa quyết định thời gian bán tài sản ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh, vụ mua bán này sẽ không tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh của BP.

Trước đó, BP cũng tuyên bố bán một số tài sản thuộc lĩnh vực dầu khí trị giá 7 tỷ USD cho tập đoàn Apache. Thảm họa tràn dầu đã khiến BP suy kiệt về tài chính và buộc phải đi tới quyết định bán tài sản này.

Theo hãng tin CNN, các tài sản mà BP dự kiến “sang tay” cho hãng dầu lửa Apache, bao gồm các mỏ dầu và khí tự nhiên, cùng với nhà máy chế biến dầu khí thuộc các bang Texas, miền Đông Nam bang New Mexico của Mỹ và vùng phía Tây Canada, cộng với quyền thăm dò và khai thác dầu khí ở Ai Cập.

BP đã phải cam kết thành lập một quỹ trị giá 20 tỷ USD bồi thường cho người dân Mỹ chịu ảnh hưởng của thảm họa tràn dầu. Giá cổ phiếu của BP đã bị “gọt” tới một nửa kể từ sự cố xảy ra hôm 20/4 này. Thêm vào đó, danh tiếng của BP còn bị sứt mẻ nghiêm trọng, khi đã xuất hiện những tin đồn rằng, hãng có thể bị đối thủ thâu tóm hoặc lâm vào cảnh phá sản.

Một số tờ báo của Anh hôm nay loan tin, Giám đốc điều hành (CEO) Tony Hayward của BP có thể sắp mất chức và phải rời khỏi tập đoàn vào tháng 10 năm nay. Việc cách chức CEO có thể được xem là một nỗ lực của BP trong việc khôi phục lại hình ảnh.

Để có tiền cho việc dọn dẹp dầu tràn và bồi thường cho các nạn nhân của thảm họa, BP đã tuyên bố ngừng trả cổ tức quý 1-2-3 năm nay cho cổ đông. Nhiều nguồn tin cho rằng, hãng này đang đàm phán với các quỹ lợi ích quốc gia về đề nghị bơm vốn để có đủ năng lực tài chính, tránh kết cục bị rơi vào tay một tập đoàn dầu lửa khác.

Theo Đ.T.
VnEconomy

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2010

Dầu không còn tràn trên Vịnh Mexico

Thứ hai, 19/7/2010, 08:00 GMT+7

BP đã phải tốn tới 3,5 tỷ USD để khắc phục sự cố tràn dầu, trong khi số tiền bồi thường cho dân chúng có thể sẽ còn lớn gấp 10 lần con số trên.
Giới chuyên gia khẳng định không có dấu hiệu dầu tràn trên Vịnh Mexico trong suốt 48 giờ qua, sau khi Tập đoàn dầu mỏ Anh BP tiến hành các thử nghiệm đối với chiếc nắp đậy mới nhằm bịt miệng giếng dầu đang phun tự do trên vịnh hôm 15-7.

Trong khi đó, ông Thad Allen, quan chức hàng đầu của Chính phủ Mỹ phụ trách việc khắc phục sự cố tràn dầu ngày 17-7 thông báo BP sẽ kéo dài các cuộc thử nghiệm ngăn “dòng thủy triều đen” thêm 24 giờ nữa nhằm đảm bảo dầu không bị rò rỉ trở lại. Ngay khi cuộc thử nghiệm kết thúc, BP sẽ tháo chiếc nắp và nối lại việc hút dầu thông qua các tàu hút dầu trên mặt biển và dọn sạch dầu loang. Quan chức này khẳng định công suất hút dầu trong những ngày tới có thể được tăng lên mức 80.000 thùng/ngày.

Phát biểu với báo giới, Phó Chủ tịch BP Kent Wells cũng khẳng định chiếc nắp đậy mới được đưa vào sử dụng hôm 12-7 vẫn đang ngăn được “dòng thủy triều đen”. Ông lưu ý cần tiếp tục phân tích kết quả các cuộc thử nghiệm cấu trúc giếng dầu nhằm đảm bảo chiếc nắp đậy này thực sự phát huy tác dụng khi những chiếc tàu hút dầu phải tạm ngưng hoạt động do bão.
Trước đó, ngay sau khi các kỹ sư của BP đóng chiếc van thứ ba và cũng là cuối cùng của nắp đậy mới hôm 15-7, lần đầu tiên dòng dầu phun trào không còn xuất hiện trên Vịnh Mexico. Mặc dù đây chỉ là kết quả bước đầu song nó cũng làm dấy lên hy vọng thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ sẽ nhanh chóng được khắc phục, và lực lượng chức năng có thể tập trung các nỗ lực dọn sạch dầu loang.

(Theo Tân Hoa xã)